Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Lượt xem: 1020
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 623/NQ-BTVQH15  Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

    Theo Nghị quyết, trong giai đoạn từ 01/7/2012 đến ngày 01/7/2021 công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác dân nguyện, nhất là công tác tiếp dân, tiếp nhận xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử luôn được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ quốc hội quan tâm và từng bước có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên;

    Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội luôn phát huy trách nhiệm, chủ động, linh hoạt trong hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

    Pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và pháp luật có liên quan ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, thống nhất, bảo đảm để thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; đảm bảo gắn công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải quyết dứt điểm được nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, được dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm và đồng tình ủng hộ.

    Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại hạn chế, bất cập như: Một số quy định, nội dung hướng dẫn chưa đảm bảo tính thống nhất với pháp luật có liên quan; tính khả thi trong thực tiễn còn hạn chế; có nội dung chưa có quy định hoặc hướng dẫn ban hành còn chậm, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung khi không còn phù hợp với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

    Việc tiếp nhận, phân loại đơn thư còn nhầm lẫn, chất lượng giải quyết lần đầu đối với một số vụ việc ở cấp huyện chưa tốt, còn sai sót; một số cán bộ, công chức ý thức, trách nhiệm chưa cao, không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thời hạn, trình tự; chưa quan tâm đúng mức việc tiếp công dân, đối thoại, lắng nghe ý kiến công dân …, một số người khiếu nại, tố cáo không chấp hành nghiêm các quyết định, kết luận, thậm chí còn lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo gây phức tạp thêm tình hình hoặc có vụ việc kéo dài, gây bức xúc, tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự; hiệu quả kiểm tra, rà soát lại việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài còn hạn chế….

    Nghị quyết đã đề ra nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tăng cường, đổi mới, linh hoạt, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời Quốc hội cũng giao Chính phủ, các bộ ngành, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, Uỷ ban cấp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này, theo đó ngành Tài nguyên và Môi trường cần tập trung quan tâm sửa đổi những nội dung phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo như: Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cơ chế định giá dất … đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ thực tiễn để quy định các điều khoản chuyển tiếp. Trước mắt tham mưu cho cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc, cho đến khi Luật đất đai sửa đổi có hiệu lực./.

Nguyễn Mạnh Hà – Thanh tra Sở

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập