Triển khai thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Lượt xem: 40
Ngày 4/4/2024, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch 106/KH-UBND, triển khai thực hiện Quyết định số 1622/QĐ-TTG ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

    Kế hoạch đề ra 12 nội dung chính, gồm: Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác lập, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; tổ chức/phối hợp lập, rà soát các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có khai thác, sử dụng nước; xây dựng và vận hành hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước và giám sát tài nguyên nước tỉnh; điều hòa, phân phối, phát triển tài nguyên nước; 

Nâng cao hiệu quả sử dụng nước; thực hiện Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trong Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình an toàn đập, hồ chứa nước; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tuyên truyền nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực….

Trong đó, thực hiện nhiệm vụ điều hòa, phân phối, phát triển tài nguyên nước, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, thực hiện điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng khan hiếm nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, xây dựng kế hoạch, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô, như: chuyển đổi cây trồng, tưới tiết kiệm để giảm lượng nước khai thác, sử dụng; giải pháp nâng cao hiệu quả, năng lực khai thác, sử dụng nước, giảm tối đa thất thoát nước trong hệ thống các công trình thủy lợi…

Nâng cao hiệu quả sử dụng nước, Sở Công thương chủ trì, cơ cấu việc phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng ít nước; tăng cường áp dụng các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn, tái sử dụng nước thải ngay từ giai đoạn thiết kế dự án. Sở Xây dựng xây dựng kế hoạch, chương trình, cơ chế chính sách phát triển hệ thống cấp, thoát nước; kế hoạch và giải pháp nhằm thu gom, xử lý nước thải đô thị và khu công nghiệp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, lập, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi và công trình thủy lợi khác; Sở Công thương lập, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện, tham mưu cho UBND tỉnh quyết định phương án tích nước hồ chứa thủy điện.

Tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, thực hiện Quyết định phê duyệt Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; các ao, hồ, đầm không được san lấp; phòng, chống sụt, lún do khai thác nước dưới đất; lập danh mục nguồn nước nội tỉnh; hành lang bảo vệ nguồn nước. Tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bảo vệ, phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông. UBND cấp huyện tổ chức các hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện, tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước.

Thông qua các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm trên, Sơn La phấn đấu, đến năm 2030, nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư đô thị đạt 95% - 100%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 65%. Kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước; hạn chế gia tăng lưu lượng khai thác nước dưới đất; giảm tỷ lệ thất thoát nước trong hệ thống cấp nước xuống 10%.

Khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô ở các tiểu vùng quy hoạch, các vùng khó tiếp cận nguồn nước, vùng sâu, vùng xa. Bảo vệ, kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu tối đa tình trạng gia tăng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả nước thải từ các cơ sở sản xuất; tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường đạt từ 10% tại các đô thị từ loại V trở lên.

Cải thiện, phục hồi các nguồn nước quan trọng bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, ưu tiên các đoạn sông chảy qua khu vực dân cư tập trung, các nguồn nước có vai trò quan trọng cho cấp nước sinh hoạt, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Quản trị ngành nước trên nền tảng số, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguyễn Việt Tuân - Phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Khí tượng thủy văn

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập