Kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý đất đai
Lượt xem: 147
Đoàn công tác Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La vừa có buổi làm việc với Cục Viễn thám Quốc gia, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.

    Tại buổi làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xin ý kiến của Cục Viễn thám Quốc gia hướng dẫn về Quy trình kỹ thuật lập bản đồ địa chính bằng phương pháp bay chụp ảnh và phương pháp ứng dụng ảnh viễn thám; Định mức kinh tế - kỹ thuật thành lập bản đồ địa chính khi áp dụng phương pháp bay chụp ảnh và phương pháp ứng dụng ảnh viễn thám.

Trong công tác quản lý đất đai, từ năm 2007 đến nay, tỉnh Sơn La đã thực hiện một số dự án mang tính cấp thiết, nhằm ổn định đời sống kinh tế, xã hội của người dân. Song hành với các dự án này, một số loại tài liệu đo vẽ được hình thành, chiếm khoảng 5,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Gồm: Bản đồ giao đất Tái định cư thủy điện Sơn La (2008-2013) với khối lượng đã đo đạc khoảng 25.000 ha; Bản đồ cấp giấy vùng trồng cây Cao su (từ năm 2010-2013) với khối lượng khoảng 9.000 ha; Trích đo địa chính gắn với cấp GCN lần đầu (từ 2013 đến nay) với khối lượng đã đo đạc khoảng 18.000 ha, chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp và một số đất ở xen kẹp đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, các loại tài liệu này toàn bộ được thành lập theo hình thức trích đo địa chính. Dẫn đến, khi khảo sát lập TKKT-DT đo đạc lập bản đồ địa chính, Sơn La đang gặp vướng khi chưa xác định được trường hợp nào đo đạc lại, trường hợp nào thực hiện nắn chuyển, đánh số lại, biên tập lại theo quy định về bản đồ địa chính.

Riêng với bản đồ giao đất, giao rừng năm 2001-2003, được thành lập trên phạm vi đất rừng toàn tỉnh, theo phương pháp khoanh vẽ trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000, dựa vào các yếu tố địa hình, địa vật đặc trưng. Do đó, bản đồ có độ chính xác rất thấp, chồng đè lên đất sản xuất nông nghiệp, hiện sử dụng chủ yếu cho thống kê đất đai. Đối với loại bản đồ này, chưa xác định được sẽ triển khai đo đạc lại bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000, hay thực hiện chỉnh lý, biên tập lại.

Về phần mềm vận hành cơ sở dữ liệu đất đai, hiện nay, tỉnh Sơn La đang vận hành trên phần mềm VBDLIS. Tập đoàn Viettel đã có ý kiến tiếp tục hỗ trợ cung cấp miễn phí phần mềm VBDLIS đến hết tháng 4/2024.

Đối với phần mềm VBDLIS của Tập đoàn Viettel, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá đáp ứng các yêu cầu xây dựng, quản lý, thông tin dữ liệu đất đai; đã hoàn thành kết nối liên thông với phần mềm của cơ quan Thuế, đã kết nối với phần mềm một cửa điện tử. Tuy nhiên, các phần mềm khác chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cũng như chưa được kết nối liên thông với phần mềm của cơ quan Thuế, phần mềm một cửa điện tử. Như vậy, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp phần mềm đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu xây dựng, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định của Luật Đấu thầu rất hạn chế.

Để đảm bảo tính đầy đủ, cạnh tranh, khách quan, đề nghị Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp danh sách các phần mềm đã được Bộ thực hiện đánh giá đáp ứng yêu cầu xây dựng, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm chuyển giao phần mềm hệ thống thông tin đất đai và cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin để quản lý, lưu trữ cơ sở dữ liệu đất đai các địa phương trong cả nước.

Vi Hà - Phòng Đất đai và Đo đạc bản đồ

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập