NQ 18 của BCH Trung ương về đổi mới, hoàn thiện thể chế về quản lý sử dụng đất đai
Lượt xem: 1254
Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao."

    Ban Chấp hành Trung ương đã xác định cần: “Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất.”

    Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn.

    Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai có chuyển biến tích cực; các vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai cơ bản được xử lý nghiêm minh. Cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai được coi trọng hơn. Việc đăng ký đất đai lần đầu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đạt tỷ lệ cao. Cơ sở dữ liệu về đất đai bước đầu được quan tâm xây dựng.

    Tuy nhiên, Luật Đất đai và một số văn bản pháp luật có liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ. Trong một số trường hợp, chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp.

    Để tiếp tục đưa công tác quản lý đất đai ổn định, khắc phục những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại, Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực….

    Đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hoá, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại.

    Với 6 nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, gồm: Thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai;

    Đổi mới, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất.

    Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TW, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La đã giao Thanh tra Sở tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời, kiên quyết xử lý hoặc đề nghị xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiến độ các cuộc thanh tra, kiểm tra; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để công tác thanh tra, giải quyết đơn thư được tiến hành có hiệu lực, hiệu quả.

    Thanh tra, rà soát, đánh giá lại tình hình quản lý, sử dụng đất công ích (5%) của địa phương; kịp thời kiểm tra, phát hiện, kiên quyết xử lý những trường hợp cho thuê, cho mượn trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng đối tượng, không lập hồ sơ cho thuê đất công ích hoặc hồ sơ không đầy đủ, rõ ràng, không thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.

    Phối hợp với các phòng chuyên môn, UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát, xác định những tồn tại, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất do lịch sử để lại; xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các cấp tổ chức thực hiện nhằm giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài, các vụ việc nóng nhằm giảm thiểu tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai. Chú trọng công tác hậu kiểm, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh./.

                                         Nguyễn Mạnh Hà – Q. Chánh Thanh tra Sở

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập