Sơn La họp triển khai các quy định mới về quản lý đất nông, lâm trường
Lượt xem: 62
Ban Chỉ đạo về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh Sơn La vừa tổ chức Họp triển khai các nội dung theo quy định mới của Luật Đất đai 2024 liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường; đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, trước năm 2004, toàn tỉnh Sơn La có 11 nông, lâm trường quốc doanh, tổng diện tích khoảng 35.000ha. Giai đoạn 2004-2014, thực hiện rà soát, sắp xếp lại các nông, lâm trường theo chỉ đạo của Chính phủ, đến nay, còn 8 đơn vị, tổ chức, với khoảng 17.000ha đất các công ty, nông, lâm nghiệp và các tổ chức khác giữ lại sử dụng; 18.000ha đã bàn giao về 7 huyện quản lý.

anh tin bai

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan hoàn thành đo đạc, cắm mốc ranh giới các Công ty nông, lâm nghiệp theo tỷ lệ 1/10.000, xác định ranh giới các Công ty tiếp tục giữ lại, cấp GCNQSDĐ, lập hồ sơ thuê đất với đối tượng thuê đất.

Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc. Các nông, lâm trường có lịch sử hình thành lâu đời, diện tích được giao quản lý, sử dụng lớn trong khi năng lực quản lý đất đai của các Công ty yếu kém, dẫn đến đất đai bị lấn chiếm, người nhận khoán tự do đầu tư sản xuất không theo quy hoạch, các Công ty không có phương án sản xuất, người nhận khoán tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy hoạch sử dụng đất…

Hồ sơ giao đất cho các nông, lâm trường trước đây thiếu chặt chẽ, không cụ thể; đất đai không được đo đạc, xác định ranh giới rõ ràng trên thực địa; bản đồ giao đất được khoanh vẽ tỷ lệ nhỏ có độ chính xác thấp. Do đó, có tình trạng giao phủ trùm lên đất của nhiều tổ chức, cá nhân đang sử dụng; giao đất chồng lấn, tranh chấp đất đai giữa nông, lâm trường với người dân ở địa phương.

Bên cạnh đó, phần lớn diện tích đất bàn giao về địa phương là đất trước đây đã giao khoán, cho thuê, cho mượn; liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư; bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp... nên rất khó khăn khi xác định đối tượng, diện tích để giao, cho thuê; nhiều trường hợp đã thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng đất nhận giao khoán. Dẫn đến khó thu hồi đất của đối tượng này để phân bổ lại cho các đối tượng ưu tiên.

Tập trung giải quyết các tồn tại, hạn chế trên, tháng 11/2022, Tỉnh ủy Sơn La đã thành lập Ban chỉ đạo để quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và đất do nông, lâm trường quản lý; ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ, xây dựng Kế hoạch hoạt động hàng năm.

Từ năm 2023 đến nay, Ban chỉ đạo và cơ quan thường trực là Sở TN&MT đã ban hành 19 văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Đã phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh, với phạm vi thực hiện toàn bộ diện tích đất giữ lại và đã bàn giao về cho địa phương. Nhiệm vụ chính của Đề án là rà soát, đo đạc, lập, chỉnh lý hồ sơ ranh giới, đo đạc, lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSD đất; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng phương án sử dụng đất. Về kinh phí thực hiện Đề án, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ TN&MT đề xuất hỗ trợ cho tỉnh Sơn La thực hiện trong năm 2024 khoảng 100 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ TN&MT đang thẩm định nhu cầu thực tiễn và khả năng cân đối của ngân sách Trung ương để phân bổ cho các tỉnh đảm bảo đúng quy định.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án Vinamilk, Vinatea và công tác GPMB trên địa bàn huyện Mộc Châu, Mai Sơn. Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, nhất là đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Trong đó, năm 2024, đang tập trung thanh tra việc quản lý đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng tại một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mộc Châu.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thành Công đã giao các sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Tập trung nguồn lực điều chỉnh Đề án nông, lâm trường, đảm bảo theo đúng quy định Luật Đất đai 2024. Quan tâm bố trí kinh phí để khai thác dữ liệu ảnh viễn thám phục vụ xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất để xây dựng phương án sử dụng đất. Tập trung triển khai kê khai đăng ký đất đai theo quy định, phục vụ lập phương án sử dụng đất, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh.

Vi Hà – Phòng Đất đai và đo đạc bản đồ

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1