Một số điểm mới trong khai thác nước của Luật Tài nguyên nước năm 2023
Lượt xem: 466
Ngày 27/11/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước năm 2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

    Theo đó, tại khoản 3 Điều 52 Luật Tài nguyên nước quy định 11 trường hợp không phải kê khai, đăng ký, không phải có giấy phép khai thác tài nguyên nước bao gồm: (1). Khai thác nước cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh, tưới cây và rửa đường phục vụ mục đích công cộng; (2). Khai thác nước mặt quy mô nhỏ để sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; (3). Khai thác nước mặt quy mô nhỏ để sử dụng cho các mục đích ngoài mục đích quy định tại điểm a, điểm b khoản này và điểm đ khoản 5 Điều 54 Luật Tài nguyên nước; (4). Khai thác nước cho sinh hoạt tại các khu vực trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm, dịch bệnh do cấp có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật; (5). Khai thác nước biển để sử dụng cho sản xuất muối; (6). Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động trên biển; (7). Khai thác nước biển quy mô nhỏ để sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền; (8). Sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ quy mô nhỏ; (9). Đào hồ, ao, kênh, mương, rạch quy mô nhỏ để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan; (10). Hoạt động sử dụng mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện theo quy định của pháp luật về thủy lợi; (11). Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

    Tại khoản 2, 3, 4 Điều 69, đã quy định bổ sung thêm các trường hợp tổ chức, cá nhân được miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác nước, cụ thể:

    Trường hợp khai thác tài nguyên nước không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bao gồm: (1). Khai thác nước biển; (2). Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp, thủy điện, thủy lợi, thể thao, du lịch, kinh doanh, dịch vụ, tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước; (3). Khai thác tài nguyên nước cho các mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan quy định tại khoản 1 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước.

anh tin bai

Thủy điện Sơn La - ảnh minh hoạ

    Trường hợp miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bao gồm: (1). Khai thác nước để cấp cho sinh hoạt của người dân khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (2). Dự án có hạng mục công trình khai thác nước đã được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh theo bảo lãnh Chính phủ; (3). Trong thời gian công trình khai thác nước bị hư hỏng do sự cố bất khả kháng không thể tiếp tục khai thác hoặc phải tạm dừng khai thác.

    Trường hợp giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bao gồm: (1). Công trình khai thác nước phải cắt, giảm lượng nước khai thác khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 42 của Luật Tài nguyên nước; (2). Khai thác, sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước theo quy định tại khoản 5 Điều 59 của Luật Tài nguyên nước; (3). Hồ chứa đã vận hành phải điều chỉnh, bổ sung dung tích phòng lũ cho hạ du so với nhiệm vụ của hồ chứa đã được phê duyệt; (4) Khai thác nước cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

    Các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước, căn cứ các quy định trên để thực hiện và được miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác nước./.

TH- Trung tâm Công nghệ thông tin

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập