Chính phủ ban hành quy định mới về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức và kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Lượt xem: 39
Ngày 17/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Theo quy định tại Nghị định số 116/2024/NĐ-CP của Chính phủ, việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức có một số điểm mới như sau:

1. Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có kết quả điểm thi vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên. Trường hợp kết hợp viết và phỏng vấn thì phải dự thi đủ cả 02 bài thi (viết và phỏng vấn) và có kết quả đạt từ 50% trở lên điểm tối đa của mỗi bài thi.

- Có kết quả điểm thi vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm, kể cả đối với vị trí việc làm được tuyển dụng chung cho nhiều cơ quan sử dụng công chức khác nhau.

Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng số điểm tính theo quy định trên bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng thì việc xác định người trúng tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn;

- Người có số điểm của bài thi viết ở vòng 2 cao hơn trong trường hợp lựa chọn hình thức kết hợp viết và phỏng vấn;

- Người có kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức cao hơn trong trường hợp cùng được miễn thi vòng 1;

- Người có số câu trả lời đúng môn kiến thức chung ở vòng 1 nhiều hơn trong trường hợp cùng dự thi vòng 1.

Trường hợp vẫn chưa xác định được người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.

2. Sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch công chức

Tại Khoản 18 Điều 1 Nghị định số 116/2024/NĐ-CP đã sửa đổi Điểm a và điểm c Khoản 3 Điều 30 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định công chức được đăng ký dự thi nâng ngạch khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện như sau:

- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật; không đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; không đang trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật;

- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;

- Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ (không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học) và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi;

- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch công chức quy định tại tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi;

Trường hợp công chức trước khi được tuyển dụng hoặc được tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, làm việc ở vị trí có yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp (nếu thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được cơ quan có thẩm quyền tính làm căn cứ xếp lương ở ngạch công chức hiện giữ thì được tính là tương đương với ngạch công chức hiện giữ.

Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ ngạch dưới liền kề với ngạch dự thi tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.

3. Sửa đổi quy định xếp ngạch, bậc lương đối với người được tuyển dụng vào công chức đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc

Trường hợp người được tuyển dụng vào công chức theo quy định tại Nghị định này đã có thời gian công tác theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), được bố trí làm công việc theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác đó được tính làm căn cứ để xếp lương ở ngạch công chức tương ứng theo vị trí việc làm được tuyển dụng.

4. Công chức lãnh đạo, quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế

Tại Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Khoản 2 Điều 41 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định: Công chức lãnh đạo, quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế, trừ trường hợp có quy định khác của Đảng hoặc của pháp luật chuyên ngành.

5. Sửa đổi lương của người tập sự công chức

Tại Khoản 14 Điều 1 Nghị định số 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về lương của người tập sự công chức như sau:

- Trong thời gian tập sự, người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 1 của ngạch tuyển dụng.

- Trường hợp người tập sự có bằng tốt nghiệp ở trình độ đào tạo cao hơn so với yêu cầu về trình độ đào tạo của vị trí việc làm được tuyển dụng thì mỗi mức trình độ đào tạo cao hơn được cộng thêm 01 bậc lương và được hưởng 85% hệ số lương ở bậc được xếp.

- Các khoản phụ cấp được hưởng theo quy định của pháp luật.

6. Bổ sung các trường hợp tạm đình chỉ công tác đối với công chức

Nghị định số 116/2024/NĐ-CP bổ sung Điều 68a sau Điều 68 của Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định Công chức có thể bị tạm đình chỉ công tác trong các trường hợp sau:

- Có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân;

- Có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ;

- Cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

- Đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý hoặc nếu để tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật;

- Đã bị xử lý kỷ luật Đảng và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc của cơ quan khác có thẩm quyền;

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

7. Bãi bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Tại Điều 2 Nghị định số 116/2024/NĐ-CP quy định bãi bỏ Điều 12 và Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 17 tháng 9 năm 2024./.

Tác giả: Vì Thanh Huyền – Chuyên viên Văn phòng Sở TN&MT.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1