Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường hướng tới Chính phủ số, chính quyền số
Lượt xem: 1861
Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường đóng góp vai trò ngày càng quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, tăng cường cải cách hành chính, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo Quyết định số 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho chính phủ điện tử.

Hiện nay, hầu hết các địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, tuy nhiên chưa đồng bộ. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa có sự kết nối với nhau, hệ thống cơ sở dữ liệu chưa được kết nối liên thông nên việc khai thác sử dụng dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nội dung quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước đang được Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo, cụ thể là Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 09/04/2020 của Chính phủ đã quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước cũng như các phương thức, quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.

Nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường với mô hình, công nghệ hiện đại, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu, ngày 21/12/2020 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2178/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương”.

Theo đó, Đề án có các mục tiêu cụ thể như sau:

Mục tiêu đến năm 2025:

- 100% cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường tạo nền tảng Chính phủ điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; 80% cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường được hoàn thiện, đảm bảo an toàn, an ninh; phục vụ cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; góp phần phát triển Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng;

- Hoàn thiện nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường, cung cấp được các sản phẩm tri thức cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân thông qua các kênh thông tin hiện đại, trực tuyến;

- Tạo lập môi trường, điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng hoạt động điều tra, khảo sát, đo đạc, quan trắc, thu nhận, triển khai xây dựng hạ tầng dữ liệu số, cung cấp dịch vụ số… về tài nguyên và môi trường.

Mục tiêu đến năm 2023:

- Hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ thu nhận, tạo lập, quản lý, kết nối, chia sẻ toàn diện nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường;

- Cơ bản hoàn thiện nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường;

- Triển khai, vận hành, kết nối và chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính nền tảng, nhu cầu khai thác sử dụng lớn, bao gồm: nền địa lý quốc gia, đất đai quốc gia; quan trắc quốc gia về tài nguyên và môi trường, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan;

- 30% cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường được hoàn thiện; kết nối, chia sẻ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh - quốc phòng; cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; góp phần phát triển Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh;

- Tạo lập, vận hành Cổng dữ liệu về tài nguyên và môi trường.

Trước những xu thế phát triển kinh tế xã hội, yêu cầu, trách nhiệm về quản lý môi trường và xu thế cách mạng công nghệ 4.0, việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện các nghiệp vụ trong công tác quản lý môi trường, đồng thời đóng góp vào tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển chính phủ số, chính quyền số theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đối với tỉnh Sơn La, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường tỉnh Sơn La, cụ thể là: Cơ sở dữ liệu đất đai của 8/12 huyện, thành phố; Cơ sở dữ liệu môi trường và đa dạng sinh học; Hệ thống giám sát sử dụng tài nguyên nước và khí tượng thủy văn ….

Các cơ sở dữ liệu TNMT tỉnh Sơn La được xây dựng trên các nền tảng công nghệ hiện đại, sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia cũng như các hệ thống thông tin khác trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển Chính quyền điện tử tiến tới Chính quyền số, đô thị thông minh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

                                Nguyễn Bá Anh Ngọc – TTCNTT TN&MT

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập