Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lưu trữ và khai thác cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường
Lượt xem: 1572
Công nghệ thông tin vừa có vai trò là hạ tầng mềm cho sự phát triển vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của tất cả các ngành và các lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện khai thác thông tin, dữ liệu  được thuận lợi, khắc phục được những khó khăn, ách tắc trong quản lý, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, lĩnh vực

 Hạ tầng Công nghệ thông tin vừa là hạ tầng kinh tế, vừa là hạ tầng xã hội, là hạ tầng của hạ tầng. Công nghệ thông tin không chỉ có vai trò quan trọng hàng đầu trong khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội mà còn góp phần quan trọng trong cải cách hành chính, cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống, minh bạch hóa thông tin, thực hiện công bằng xã hội.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, theo quan điểm: “… Đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính …” với mục tiêu: “… Hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp;…” ; và nhiệm vụ đặt ra là: “… Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2019 - 2020, tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2030 …”

Tuy nhiên nhiệm vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin hiện nay của ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La còn gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ cũng như kinh phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 17 của Trung ương và Chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, tạo điều kiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời giải quyết những khó khăn, trở ngại trong hoạt động và phát triển ngành tài nguyên và môi trường, đồng thời để quản lý, đưa vào vận hành, khai thác các cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường chuyển giao và UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng thì nhiệm vụ chủ yếu toàn ngành cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới là:

Một là: Đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm cả hệ thống mạng thông tin tài nguyên môi trường đồng bộ; giải quyết tốt nhiệm vụ lưu trữ, xử lý, truyền tải thông tin, cung cấp thông tin tài nguyên và môi trường; xây dựng ổn định trung tâm công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường theo hướng hiện đại, nhằm thu thập, tích hợp và chia sẻ thông tin, dữ liệu của 7 lĩnh vực chuyên ngành do ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý gồm: Đất đai, nước, địa chất khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của doanh nghiệp, công dân; xây dựng hệ thống, giám sát an ninh, an toàn, bảo mật và khắc phục sự cố; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; đảm bảo tính đồng bộ và cập nhật kịp thời dữ liệu giữa các cấp quản lý trong ngành; đầu tư thiết bị, công nghệ phục vụ công việc điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc bằng công nghệ số, bảo đảm tự động hoá hầu hết việc thu nhận, truyền tải dữ liệu tài nguyên và môi trường.

Hai là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các cơ quan, đơn vị trong ngành bao gồm: Ứng dụng có hiệu quả các phần mềm chuyên ngành, đẩy mạnh các hình thức giao dịch điện tử; sử dụng văn bản, chữ ký điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho nền hành chính hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng loại hình dịch vụ công do các cơ quan hành chính cung ứng; nâng cao năng lực giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến; cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm ngành tài nguyên và môi trường cho mọi đối tượng qua các hệ thống thông tin trực tuyến….; đưa cơ sở dữ liệu đất đai theo các chương trình dự án vào quản lý, vận hành có hiệu quả; tiếp tục xây dựng hệ thống thông tin tài nguyên và môi trường kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Ba là: Tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, để triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường đặc biệt là bổ sung nhân lực để quản lý, vận hành và chuyên môn sâu về an ninh mạng; phổ cập kiến thức ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành; tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành tài nguyên và môi trường./.

 

Nguyễn Thị Thúy Hằng- Trung tâm Công nghệ thông tin

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập