Tăng cường xử lý vi phạm hành chính về đất đai thông qua công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh Sơn La
Lượt xem: 1249
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1675/QĐ-TTg ngày 29/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đển 2020, công tác quản lý đất đai, tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện các vi phạm cần thực hiện thường xuyên nhằm phát hiện và xử lý dứt điểm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; ngăn chặn, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật đ
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng pháp luật trong quản lý và xử dụng đất trên địa bàn tỉnh Sơn La, nâng cao vai trò trong công tác quản lý nhà nước đối với đất đai, bên cạnh việc thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thì việc phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai là vấn đề trọng tâm trong quản lý nhà nước, luôn được các cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao trong quá trình thực hiện.
Thực hiện Quyết định số 1675/QĐ-TTg ngày 29/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1976/QĐ-UBND ngày 14/8/2018 về việc thành lập tổ công tác thực hiện quyết định 3176/QĐ-UBND. Trọng tâm của công tác thanh tra, kiểm tra là kết quả thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai của UBND cấp xã trong quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp dành cho công ích ; tham gia thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân; việc thực hiện trách nhiệm kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai của người sử dụng đất; trách nhiệm của UBND cấp huyện trong thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (kể cả thông qua đấu giá), đăng ký lần đầu và đăng ký biến động đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục từ ngày 01/7/2014; việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai đối với một số đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và việc quản lý, sử dụng đất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp.
Kết quả kiểm tra đến tháng 10 năm 2018, toàn tỉnh đã rà soát 457/723 khu đất, bằng 63,38% số khu đất trên địa bàn tỉnh. Số khu đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai là 98 khu đất của 72 tổ chức; có 60 tổ chức đã kiểm tra với 88 khu đất, trong đó có 25 tổ chức đã có kết luận kiểm tra với 28 khu đất.
Kết quả thanh tra, tông số cuộc thanh tra theo kế hoạch do Thanh tra Sở thực hiện: 04 cuộc đối với 19 tổ chức trong đó, nội dung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại Khu công nghiệp Mai Sơn, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Qua thanh tra, kiểm tra xác định các tổ chức sử dụng đất vi phạm các lỗi chủ yếu như: không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định tại Điều 109 Luật Đất đai; không thực hiện việc đăng ký đất đai theo quy định tại Điều 95 Luật Đất đai; đất được giao để thực hiện dự án đầu tư nhưng không đưa đất vào sử dụng, tiến độ sử dụng đất chậm theo quy định; đất không được nhận chuyển nhượng mà nhận chuyển nhượng theo Điều 64 Luật Đất đai…
Thông qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 19 tổ chức có dấu hiệu vi phạm, Chánh Thanh tra Sở ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: Quyết định số 108/QĐ-XPVPHC ngày 23/10/2018 của Chánh Thanh tra Sở về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền phạt 23.500.000 đồng. Quyết định số 87/QĐ-XPVPHC ngày 02/8/2018 của Chánh Thanh tra Sở về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền phạt 1.500.000 đồng. Quyết định số 122/QĐ-XPVPHC ngày 21/11/2018 của Chánh Thanh tra Sở về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền phạt 1.500.000 đồng. Quyết định số 86/QĐ-XPVPHC ngày 02/8/2018 của Chánh Thanh tra Sở về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền phạt 1.500.000 đồng; Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính tronh lĩnh vực đất đai là 28.000.000 đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Sơn La có một số vướng mắc sau:
Thứ nhất, các vướng mắc, bất cập từ quy định của pháp luật đất đai: theo quy định của Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai chưa quy định đầy đủ về các trường hợp lấn, chiếm đất theo mục đích sử dụng đã được quy định tại Điều 10, Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể: Quy định về hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng để xây dựng nhà ở và các công trình khác, trong khi đó, Điều 10, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 chưa quy định xử lý đối với hành vi này, do đó khi phát hiện hành vi này thì không có căn cứ để xử lý. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 208, Luật Đất đai năm 2013 quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Tuy nhiên Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 chưa quy định quy định cụ thể về từng trường hợp, phạm vi, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã để kịp thời xử lý, ngăn chặn và nâng cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 Chính phủ đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai còn thấp, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.
Thứ hai, trách nhiệm phối hợp của đối tượng thanh tra, kiểm tra trong việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, triệt để. Qua việc đôn đốc theo dõi việc thực hiện các kết luận thanh kiểm tra của Thanh tra Sở cho thấy, một số đối tượng không thực hiện hoặc thực hiện chưa triệt để; thực hiện mang tính đối phó như: các đơn vị là đối tượng thanh tra, kiểm tra sau khi thực hiện Kết luận, có báo cáo kết quả thực hiện nhưng không gửi kèm các tài liệu làm minh chứng cho việc thực hiện. Một số đối tượng tìm cách lẩn tránh, không tự giác thực hiện, không tiếp nhận các văn bản đôn đốc của cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi, thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra....
Thứ ba, trách nhiệm phối hợp quản lý của các cấp chính quyền trong quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của Điều 208 Luật Đất đai 2013 chưa hiệu quả. Theo quy định tại Điều 208 thì “Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương”. Tuy nhiên, trong thực tiễn quản lý đất đai, một số huyện, xã chưa thực hiện hết trách nhiệm này và cho rằng, các tổ chức thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, do vậy chưa thực hiện việc phối hợp trong việc, quản lý, kiểm tra việc sử dụng đất của chủ thể này dẫn đến có những vi phạm chậm được phát hiện, khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm hành chính xảy ra tại địa phương.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai theo quy định của pháp luật trong thời gian tới cần tập trung vào các vấn đề chính sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai: để có căn cứ xử lý vi phạm đối với mọi vi phạm về đất đai, khắc phục tình trạng bỏ lọt đối với các vi phạm, Chính Phủ cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 Chính phủ đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND, HĐND cần nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường; đảm bảo thuận tiện, dễ tra cứu và thống nhất, đầy đủ của hệ thống pháp luật.
Hai là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc chấp hành pháp luật về đất đai, cả về phía cơ quan, người có thẩm quyền quản lý nhà nước; người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Các vi phạm hành chính về đất đai xảy ra trong thực tiễn tập trung vào 2 nhóm chủ thể là chủ thể thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai và chủ thể sử dụng đất. Do vậy, công tác thanh tra, kiểm tra cần tập trung vào việc chấp hành pháp luật của cả 2 nhóm chủ thể nêu trên, đảm bảo đúng nguyên tắc của Luật xử lý vi phạm hành chính, mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, tránh bỏ lọt vi phạm vì đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị kéo dài trên địa bàn tỉnh.
Ba là, nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa chính quyền các cấp trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra phát hiện sớm các vi phạm pháp luật về đất đai và có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các sở ngành có liên quan tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở Tài nguyên Môi trường, UBND các huyện, các sở ban ngành có liên quan trong việc quản lý nhà nước đối với đất đai trên địa bàn tỉnh Sơn La. Trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt quy định của pháp luật và các nhiệm vụ được giao trong quy chế để đáp ứng yêu cầu quản lý trong thực tiễn.
Bốn là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả đối với việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra: thường xuyên đôn đốc theo dõi các kết luận thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm đối với các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận thanh tra, kiểm tra, đảm bảo việc xử lý dứt điểm các vi phạm xẩy tra trên thực tế.
Công tác thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực đất đai là lĩnh vực rộng, nhạy cảm và nhiều khó khăn. Song với sự nỗ lực, trách nhiệm, năm 2018, Thanh tra Sở và Phòng Quản lý đất đai và Đo đạc bản đồ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành 100% cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai. Để công tác thanh, kiểm tra tạo nên sự chuyển biến rõ nét, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các lĩnh vực, nhất là đất đai cần được Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, cá nhân. Bên cạnh các kế hoạch thanh, kiểm tra thường kỳ theo kế hoạch đề ra, cần làm làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Ban Giám đốc lập các kế hoạch thanh, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý những khuyết điểm, sai phạm thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Thông qua việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân góp phần ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; góp phần bảo vệ, quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên hợp lý, hiệu quả trên địa bàn tỉnh./.
Đào Nhị - Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập