Kế hoạch Triển khai Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ về thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn
Lượt xem: 422
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ về việc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 của Chính phủ; ngày 08/4/2019, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 849/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết

Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là đối với chất thải rắn sinh hoạt, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018Kế hoạch đặt trọng tâm vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, rà soát, trình ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nhà nước về chất thải rắn theo hướng Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối, thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn trên phạm vi cả nước.

Các nhiệm vụ bao gồm: tổ chức tổng hợp, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn; phân tích hiện trạng và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; tổ chức các cuộc họp, hội thảo và lấy ý kiến Bộ Tư pháp và các Bộ ngành liên quan về nội dung báo cáo rà soát và các đề xuất sửa đổi, bổ sung; xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định có liên quan đến chất thải rắn theo hướng Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối, thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn.

Thời gian thực hiện nhiệm vụ này từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2019

Thứ hai, rà soát, kiểm tra, đánh giá công tác quản lý chất thải rắn trên phạm vi cả nước

Các nhiệm vụ bao gồm:

Yêu cầu các địa phương trên toàn quốc báo cáo về công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn để bước đầu nắm bắt thông tin tổng quát. Tổ chức làm việc với các địa phương về công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn trên địa bàn.

Kiểm tra, đánh giá các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên phạm vi cả nước: Tổng cục Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương. Trong đó, Tổng cục Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá các cơ sở xử lý chất thải có công suất lớn, công nghệ xử lý đặc trưng, những điểm nóng về môi trường ...., Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương kiểm tra, đánh giá các cơ sở còn lại trên địa bàn.  Việc triển khai kiểm tra, đánh giá được thực hiện trong thời gian tháng 4 đến hết tháng 5 năm 2019. Trước ngày 10 tháng 6 năm 2019, các Đoàn công tác gửi báo cáo kết quả về Tổng cục Môi trường để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.

Tổ chức hội thảo về mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Sau khi có báo cáo của các địa phương và kết quả kiểm tra, đánh giá, Hội thảo về mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì sẽ được tổ chức với sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà đầu tư, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các Bộ, ngành có liên quan và đại diện các địa phương trên toàn quốc. Nội dung hội thảo sẽ trao đổi, thảo luận về các mô hình quản lý chất thải rắn và danh mục các công nghệ xử lý chất thải rắn hiện nay; các ưu điểm, nhược điểm của các mô hình quản lý, công nghệ xử lý với mục tiêu đưa ra danh mục về mô hình quản lý và danh mục công nghệ khuyến khích áp dụng; các mô hình và công nghệ không khuyến khích áp dụng. Việc tổ chức Hội thảo chuyên đề này có thể xem xét, lồng ghép vào trước phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về các chủ trương, giải pháp cấp bách do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Thứ ba, tổ chức Hội nghị toàn quốc về chất thải rắn.

Hội nghị toàn quốc về chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội để bàn về các chủ trương, giải pháp cấp bách về quản lý chất thải rắn. Việc tổ chức và nội dung của Hội nghị sẽ được xây dựng căn cứ trên kết quả của hoạt động rà soát, đề xuất sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật; kết quả kiểm tra, đánh giá thực trạng quản lý chất thải của các địa phương hiện nay (bao gồm hiện trạng giảm thiểu, phát sinh; các mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý; quy hoạch xử lý chất thải rắn; rà soát các quy định về định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; các cơ chế tài chính hiện nay đang áp dụng tại các địa phương); các mô hình quản lý, công nghệ và danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn ưu tiên áp dụng tại Việt Nam; kinh nghiệm của Hàn Quốc trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Sau Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý chất thải rắn.


Thứ tư, xây dựng Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn tại Việt Nam.

Căn cứ vào kết quả của các hoạt động nêu trên và kết quả của Hội nghị toàn quốc, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn tại Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, trong đó bao gồm các nội dung sau: (1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn; (2) phát triển nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu quản lý; (3) Tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý chất thải rắn; huy động nguồn lực toàn xã hội trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; (4) Nghiên cứu, xây dựng và triển khai các mô hình quản lý về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thí điểm các mô hình về đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải tại một số địa phương, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thực hiện tổ chức đấu giá dịch vụ xử lý chất thải; (5) Tăng cường xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực; (6) Xây dựng và triển khai mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Thứ năm, xây dựng Đề án tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam.

Việc xây dựng Đề án tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam được thực hiện theo Quyết định số 12/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019. Trong quá trình xây dựng Đề án, Tổng cục Môi trường cũng sẽ tập trung việc thực hiện các trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, bao gồm:

Đánh giá thực trạng thu gom, xử lý và tái chế túi ni lông khó phân hủy hiện nay nhằm xây dựng đề xuất tăng cường kiểm soát ô nhiễm: Đối với hoạt động này, trong quá trình kiểm tra, đánh giá toàn diện thực trạng công tác quản lý chất thải rắn tại các địa phương, Tổng cục Môi trường sẽ rà soát, đánh giá các công nghệ xử lý, tái chế túi ni lông hiện nay; các mô hình thu gom, xử lý và tái chế túi ni lông tại các địa phương để xây dựng phương án nhân rộng;

Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thứ sáu, xây dựng Đề án về truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về chất thải rắn.

Hoạt động truyền thông này được thực hiện gắn liền với các nội dung của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự quan tâm của xã hội, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất thải rắn.

Tại Quyết định, Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định này bảo đảm tiến độ, chất lượng; định kỳ 02 tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Tổng cục Môi trường) để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.

Giao Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện Kế hoạch. Định kỳ 02 tháng hoặc đột xuất tổng hợp báo cáo Bộ trưởng và các cơ quan chức năng theo quy định.

Cổng TTĐT: Monre.gov.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập