Quyền tố cáo của công dân - Một số vấn đề từ thực tiễn
Lượt xem: 22277
Thời gian gần đây, lợi dụng quyền tố cáo đã được luật định, một số người cố tình vu khống, tố cáo làm hại người khác; mặc dù, không có chứng cứ chứng minh cho nội dung tố cáo, nhưng vẫn vẫn thường xuyên tạc, vu khống, nói xấu cán bộ, công chức, các cơ quan, đơn vị và cả chính quyền địa phương

Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

          1. Về pháp lý thì quyền tố cáo của công dân được quy định tại Điều 30 Hiến pháp 2013 “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Việc tố cáo được thực hiện trọng phạm vi, trình tự, thủ tục, nội dung theo Luật Tố cáo 2018 và Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 04/10/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và một số biện pháp thi hành Luật tố cáo. Theo đó công dân khi thực hiện quyền tố cáo cần xác định rõ các quyền và nghĩa vụ của mình theo Điều 9 Luật tố cáo. Công dân được hưởng các quyền như được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên người tố cáo cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định, đặc biệt là nghĩa vụ trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được và Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

          Về các chế tại áp dụng đối với người có hành vi cố tình tố cáo sai sự thật được quy định như sau: Tại Khoản 3 Điều 30 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Nghiêm cấm việc… lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”; Điều 156  Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

          “ 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

          a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

          b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

          2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

          a) Có tổ chức;

          b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

          c) Đối với 02 người trở lên;

          d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dayh dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

          đ) Đối với người đang thi hành công vụ.

          2. Thực tiễn công tác giải quyết tố cáo trong thời gian từ khi luật Tố cáo 2018 ra đời đến nay cho thấy vẫn còn hiện tượng tố cáo khi chưa rõ hành vi vi phạm, chỉ nghe thông tin có vi phạm bằng cảm nhận chủ quan hoặc tố cáo khi không rõ quy định của pháp luật; tố cáo khi không đạt được mục đích khác như khiếu nại, tố cáo khi kiến nghị, phản ánh hoặc chính việc tố cáo đã giải quyết không đạt mục đích và chuyển sang tố cáo và nhưng không có tài liệu chứng cứ  chứng minh hành vi vi phạm; do vậy gây mất thời gian, công sức và lãng phí tiền của nhà nước khi giải quyết tố cáo.

          Nguyên nhân làm cho đơn thư tố cáo sai sự thật ngày càng gia tăng: những hành vi tố cáo sai sự thật khó xử lý, các biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe dẫn tới tình trạng đơn thư tố cáo sai sự thật, tố cáo vượt cấp ngày càng gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp hơn. Các cơ quan có thẩm quyền giải quyết xử lý nội dung tố cáo của công dân thường không chú trọng đến việc xử lý người tố cáo có hành vi tố cáo sai sự thật. Thông thường, kết luận những nội dung tố cáo sai sự thật đều quy cho là thiếu căn cứ giải quyết; còn đối với hành vi tố cáo sai sự thật thì lại bỏ qua trách nhiệm pháp lý cho người tố cáo. Do vậy, vô hình chung không có sức răn đe đối với người tố cáo sai sự thật. Một nguyên nhân nữa là người tố cáo sai sự thật rất ít bị xử lý, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo ngại xử lý, sợ va chạm, liên lụy, né tránh… Đồng thời, cũng chưa có quy định trong việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo. Chính vì vậy, hầu như rất ít khi xử lý người khiếu nại, tố cáo sai sự thật. Do đó, người tố cáo chưa nhận thức được đầy đủ hành vi vi phạm của mình. Đây là những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua cần phải được bổ sung hoàn thiện.

          3. Để hạn chế hành vi tố cáo sai sự thật trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số vấn biện pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Luật khiếu nại, Luật tố cáo đến cá nhân, tổ chức và toàn thể nhân dân, đặc biệt là các hành vi nghiêm cấm và quy định xử lý các hành vi khiếu nại, tố cáo sai sự thật. Khẩn trương ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tố cáo sai sự thật và triển khai thực hiện nghiêm túc. Khi thụ lý đơn thư tố cáo cần phải phân loại cụ thể nội dung nào đúng sự thật thì phải nghiêm túc giải quyết một cách kịp thời. Đối với trường hợp cố ý tố cáo sai sự thật có dấu hiệu tội phạm thì đề nghị chuyển cơ quan chức năng để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với công chức, viên chức có hành vi tố cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý về tổ chức cán bộ theo phân cấp tiến hành xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 48 Luật Tố cáo. Đối với công dân có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật thì yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo các địa phương thuộc quyền quản lý tổ kiểm điểm trước nhân dân nơi cư trú để chấn chỉnh, răn đe. Có như vậy, sẽ hạn chế được các đơn thư khiếu nại, tố cáo sai sự thật, cũng như tình trạng các đơn thư kéo dài, vượt cấp, phức tạp như thực tiễn thi hành pháp luật khiếu nại, tố cáo thời gian qua.

Đào Nhị - Thanh tra viên, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập